Những chia sẻ gần đây của Pep Guardiola về Erling Haaland đã cho thấy những kỹ năng lãnh đạo và sự thấu hiểu bản chất con người của nhà cầm quân này. Câu chuyện ở đây là xây dựng văn hóa, đầu tư vào những khía cạnh dài hạn bên cạnh việc cố gắng giành chiến thắng những trận đấu trong ngắn hạn. Đó là thứ khiến ông khác biệt với hầu hết nhà lãnh đạo trong giới thể thao. HLV trưởng của Manchester City nắm rõ 2 thứ liên quan đến hiệu suất con người (human performance) trong cả cuộc sống cá nhân lẫn công việc: Tư duy và hành vi.
Đó là thứ chứa đựng một trong những bài học cuộc sống tuyệt vời nhất trong lĩnh vực thể thao, nhưng ít khi chúng ta chú ý tới. Trong cả thời ấu thơ lẫn khi trưởng thành, ít khi chúng ta sắp xếp thời gian để phát triển tư duy và hành vi. Nhưng với Guardiola, đó là những ưu tiên hàng đầu của ông. Chúng ta thường không chú ý đến cách mình suy nghĩ và hành xử, nhưng Guardiola thì luôn đặc biệt để tâm điều này. Chúng ta thường không thoải mái thảo luận cách bản thân tư duy và hành động, nhưng với Guardiola, việc nói về những thứ đó là bình thường, bởi chúng có tác động sâu sắc đến hiệu suất con người, xa hơn là chìa khóa để phát triển bản thân ở trong lẫn ngoài sân cỏ.
Guardiola không muốn Haaland thể hiện sự thất vọng trên sân thông qua hành động và nét mặt. “Cậu ấy cần phải có tâm trạng tích cực và tự nói với bản thân: ‘OK, rồi sẽ được, rồi sẽ được’”. Ban đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy nghịch lý giữa một Guardiola sôi nổi, hoạt náo khi chỉ đạo ở đường biên với triết lý của việc tin tưởng: “Rồi sẽ được, rồi sẽ được”.
Nhưng sẽ thật sai lầm nếu diễn giải những từ đó theo nghĩa bị động. Ở đây, Guardiola nhấn mạnh vào cơ hội để chú ý và hiểu não bộ lẫn cơ thể nhằm cải thiện tư duy, hành vi trong lần tiếp theo.
Nếu các cầu thủ tự giày vò bản thân sau khi nhận một bàn thua thì họ cũng trực tiếp hủy hoại cơ hội chơi tốt của chính mình khi trận đấu tiếp tục. Đó là thứ Guardiola nhìn thấy khi Haaland tỏ ra thất vọng. Ông thách thức một định kiến thâm căn cố đế biện minh cho việc tự phê bình là một phần của kỷ luật, sự cứng rắn và tiêu chuẩn cao. Nhiều nghiên cứu về khoa học thần kinh hiện nay cho thấy việc thừa nhận sai lầm, chấp nhận sai sót và tập trung vào những gì có thể làm trong lần tiếp theo sẽ giúp ích cho hiệu suất nhiều hơn.
Khi quan sát hay làm việc trong môi trường bóng đá, tôi nhận thấy mọi người đang tập trung quá nhiều vào kỹ chiến thuật. Chúng ta tóm tắt các trận đấu thông qua việc phân tích kỹ chiến thuật, nhưng ít khi nào dừng lại quan sát, phân tích suy nghĩ của cầu thủ trong các đoạn video. Các kế hoạch cho trận đấu cũng tập trung vào khía cạnh chiến thuật, kỹ thuật mà bỏ qua thảo luận về việc cầu thủ muốn gì trên sân, họ tương tác ra làm sao, muốn phản ứng trước những diễn biến khó lường của trận đấu như thế nào.
Việc phân tích bóng đá trên truyền hình tập trung vào những bàn thắng, đơn giản vì chúng gắn chặt với thứ quan trọng là kết quả. Nhưng đó cũng có thể là cái bẫy. Guardiola tìm kiếm những khoảnh khắc then chốt ở khía cạnh khác: Tâm trạng của cầu thủ trên ghế dự bị hay các họ phản ứng sau khi nhận bàn thua, giữ tinh thần trên sân hoặc ghế dự bị thế nào, hỗ trợ nhau kiểu gì. Đây là những khoảnh khắc quan trọng mà cầu thủ tác động đến trận đấu theo những cách trong tầm kiểm soát của họ, kể cả khi có thể camera sẽ không quay tới. Thật khó để khiến tâm trí chúng ta không tập trung vào việc ghi bàn hay thủng lưới. Nhưng Guardiola không bị cuốn theo lối tư duy ấy và ưu tiên giúp các cầu thủ tránh điều đó.
Hiện nay ngày càng có nhiều nghiên cứu về sự kết nối giữa não bộ và cơ thể, dù các triết gia đã khám phá ra điều này từ hàng thế kỷ trước. Hiện tại, với sự tiến bộ của lĩnh vực khoa học thần kinh, chúng ta càng hiểu nhiều hơn về việc hành động có ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của bản thân thế nào.
Novak Djokovic từng chia sẻ rằng sức mạnh tinh thần của anh không phải thứ bẩm sinh mà do không ngừng luyện tập. Không phải anh không bao giờ phân tâm mà sức mạnh tinh thần của Nole nằm ở chỗ anh nhận ra khi nào sự xao nhãng xuất hiện, chấp nhận chúng vì suy cho cùng chúng ta đều là con người, và nhanh chóng hướng sự chú ý của mình sang khoảnh khắc tiếp theo trong trận đấu.
Tôi thường xuyên nghe thấy các HLV chỉ đạo cầu thủ giữ tập trung và khiến cầu thủ cảm thấy rất thất vọng nếu họ đánh mất sự tập trung đó, thay vì chấp nhận rằng đấy là cách bộ não hoạt động và giúp họ nhanh chóng chuyển hướng sự chú ý.
Đây là một bài học cuộc sống được rút ra từ thể thao, nhưng tôi không biết vì sao nó vẫn chưa nằm trong giáo án về thể thao ở trường học hay nằm trong các giáo án huấn luyện. Việc phát triển thực hành chánh niệm ít khi có trong các chương trình tập luyện của VĐV, song đây là thứ có thể mang tới thành tích thi đấu cao hơn.
Tổng hợp các kỹ năng nhận định bóng đá tại keochuan.site.