Vấn đề đá đẹp-đá xấu và sự cực đoan thái quá của truyền thông, người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đó thực sự là một vấn đề nổi cộm.
Cái gì quá cũng không tốt
Trước hết, phải nói mình hoàn toàn ủng hộ việc chống lại bạo lực sân cỏ ở bóng đá Việt Nam. Đó là những tình huống vào bóng nguy hiểm bằng gầm giầy hay cắt kéo hai chân mà có thể gây ra chấn thương nặng cho cầu thủ đối phương. Thực tế, đây vẫn luôn là một vấn nạn ở V-League, nhất là trong quá khứ khi nhiều cầu thủ và đội bóng thường cổ súy thói quen chơi bóng triệt hạ, điển hình như CLB SLNA của giai đoạn HLV Hữu Thắng cầm quân (2011-2014).
Khi lứa cầu thủ trẻ của HAGL nổi lên năm 2013-2014 kéo theo một hiệu ứng truyền thông rất mạnh mẽ, cùng với tôn chỉ “đá đẹp”, “đạo đức sân cỏ”, nó đã phần nào khiến cho NHM có xu hướng lên án mạnh mẽ hơn rất nhiều những tình huống vào bóng triệt hạ, và án phạt cho những tình huống đó cũng nặng hơn (thường là cấm thi đấu dài hạn, như ví dụ của Quế Ngọc Hải hay Ngô Hoàng Thịnh). Điều này về cơ bản là tốt khi tần suất những pha bóng kiểu đó ở V-League ngày nay đã giảm đáng kể so với quá khứ.
Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt, và khi cực đoan quá thì lại không tốt. Với sự nổi lên của lứa HAGL 2014, đông đảo NHM và truyền thông khi đó lại chuyển sang cổ súy đá đẹp đến mức “cực đoan”, cho rằng thi đấu bóng đá là không được phép va chạm quyết liệt, đá rát, hay dùng tiểu xảo. Sự cực đoan diễn ra đến một mức độ mà ở mùa giải 2015 (mùa đầu tiên lứa cầu thủ HAGL đôn lên V-League), gần như đội nào đá với HAGL cũng bị cap lại những tình huống chơi bóng quyết liệt (dù không đến mức triệt hạ), rồi bị cộng đồng mạng công kích, chửi rủa.
Sự thái quá trong việc cổ súy “đá đẹp”, nâng cao quan điểm “đạo đức sân cỏ” này dẫn tới hai hệ quả không tốt. Thứ nhất, nó làm sai đi bản chất của môn bóng đá, bởi bóng đá vốn dĩ là môn thể thao đối kháng, không thể đòi hỏi không có sự quyết liệt. Thứ hai, nó khiến cho cầu thủ Việt Nam gặp bất lợi khi thi đấu quốc tế, bởi các đối thủ họ đâu có đá nhẹ chân đâu? Họ vấn đá quyết liệt, đá rát, tiểu xảo, còn chúng ta thì tự hại chính mình, tước đi khả năng chống chọi với họ khi tự nâng cao quan điểm về đạo đức sân cỏ một cách thái quá. Khi U23 Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng SEA Games 2017, chả có ai khen ngợi chúng ta đá đẹp cả, họ chỉ thấy đội Việt Nam non nớt và thất bại.
Khó có thể trách người hâm mộ, bởi không phải ai cũng là những người xem bóng đá lâu năm hay là từng xỏ giày ra sân. Nhưng thật sự đáng trách ở những người làm bóng đá và làm truyền thông khi đưa ra những định hướng sai lệch cho nền bóng đá.
Kèo Chuẩn TV cập nhật những tin tức bóng đá Việt Nam 24h, kèm các trận tỷ lệ kèo chính xác nhất.