Ở mùa giải năm ngoái, những bước ngoặt của Arsenal đều gắn liền với chấm 11m. Việc thua luân lưu trước Sporting Lisbon và tình huống đá hỏng phạt đền của Saka trước Westham đã trực tiếp đẩy Arsenal rơi khỏi cuộc đua ở 2 đấu trường Europa League và Premier League.
Ngã ở đâu đứng dậy đúng chỗ đó, Mikel Arteta và ekip của mình đã quyết tâm không để vấn đề này lặp lại lần nào nữa. Họ đã tạo ra một yếu tố mới chưa từng có trong lịch sử bóng đá – Đó là lên cả đấu pháp cho các tình huống penalty.
Nghe qua thì thật điên rồ bởi penalty chỉ là công việc của một người (cầu thủ sút/thủ môn) không phải một tình huống phối hợp thì làm sao có đấu pháp? Nhưng sự sáng tạo của Arsenal đã chứng minh rằng penalty thực tế có thể phối hợp.
Thông thường với mỗi một pha sút penalty, sẽ có 3 nhóm cầu thủ nắm 3 vai trò:
1, Cầu thủ sút bóng: Thường là Saka, cũng có lúc là Odegaard. Họ sẽ được cung cấp những dữ liệu về Thủ môn đối phương và không dừng lại ở đó, mọi thứ phải đi tới bước tập luyện sút thử trước trận để thành thục.
Việc có tập luyện từ trước không chỉ đảm bảo về mặt kĩ thuật mà còn giúp cầu thủ tự tin hơn. Giống như việc sĩ tử cảm thấy yên tâm hơn khi vào phòng thi bởi đã ôn kĩ bài.
2, Cầu thủ nghi binh, ôm bóng đặt vào chấm 11m giả vờ đứng ra sút bóng. Người này sẽ lãnh trọn mọi đòn tấn công tâm lý của đối phương rồi…xảo trá rút về, ngoài ra nghi binh còn nắm một vai trò quan trọng khác là bảo vệ chấm 11m khỏi những hành vi phá hoại mặt sân của đối phương. Nếu Saka sút, Odegaard sẽ làm nghi binh, ngược lại nếu Odegaard sút, Saka sẽ nghi binh.
Chiêu trò này của Arsenal đôi khi khiến đối phương bị phản phệ, họ hiểu được rằng đang đối diện với một tập thể rất đoàn kết và làm gì cũng tỉ mỉ có kế hoạch rõ ràng.
3, Nhóm cầu thủ bảo vệ cầu thủ sút bóng. Thường là những cầu thủ chơi ở tuyến trên gần điểm sút phạt, họ sẽ lập thành một “hàng rào” ngăn cản bất cứ ai có ý định tiếp cận người sút bóng thực sự.
Với mỗi pha chịu penalty, Arsenal cũng chuẩn bị rất tỉ mỉ khi Thủ môn được cung cấp thông tin về phong cách sút của đối phương. Vai trò quấy rối, đòn tâm lý cũng được phân chia rõ ràng.
Việc phối hợp để thực hiện tình huống penalty biến chuyện của một cá nhân thành của tập thể. Điều này giảm bớt áp lực cho cầu thủ qua đó ổn định tâm lý hơn.
Nghe thì đơn giản nhưng để đưa ý tưởng lên đấu pháp cho các tình huống penalty thành hiện thực cũng không hề dễ dàng.
Thứ nhất, thời gian để chuẩn bị cho mỗi trận đấu thường rất gấp gáp, nhất là với những tuần có tới 2 ngày thi đấu thì một đội bóng thường chỉ có từ 3-4 để chuẩn bị mọi thứ trong khi vẫn phải đảm bảo giáo án tập luyện hằng ngày. Khối lượng các đầu việc mà một Ban huấn luyện phải xử lý vốn dĩ đã rất lớn.
Chính vì vậy mà trước các vấn đề có khả năng không xảy ra trong trận đấu như penalty thì hầu hết các đội bóng đều bỏ qua. Họ chỉ đơn giản là lên một danh sách những cầu thủ được ưu tiên đá phạt đền rồi biến chuyện của tập thể thành chuyện của một cá nhân là xong. Cầu kỳ hơn thì cũng chỉ đơn giản là Phân tích viên cung cấp số liệu thống kê và để Thủ môn tự xử lý.
Thứ hai, rất khó để đưa penalty vào các buổi tập. Trong bóng đá hiện đại, hầu hết các đội bóng đều áp dụng phương pháp huấn luyện tổng hợp. Huấn luyện tổng hợp tức là mọi giáo án, mọi bài tập đều phải thỏa mãn điều kiện là phát triển đồng đều tất cả yếu tố.
Nếu bạn muốn cả đội dứt điểm tốt hơn, bạn xua tất cả cầu thủ đi tập sút, họ có thể cải thiện được yếu tố này nhưng ngược lại, toàn bộ các yếu tố khác đều dậm chân tại chỗ. Có chăm chỉ thế nào thì ai cũng chỉ có một ngày gồm 24 giờ như nhau, trong khi bạn chỉ tập mỗi sút còn đối thủ tập theo phương pháp huấn luyện tổng hợp và phát triển đồng đều – về lâu về dài đội bóng của bạn sẽ kém xa họ.
Penalty là điển hình của việc tập luyện phi tổng hợp. Cầu thủ có thể sút penalty cả ngày mà không gia tăng chút nền tảng thể lực nào cả, các yếu tố khác như khả năng xoay trở, bật vọt hay kĩ thuật, nhận thức chiến thuật dĩ nhiên cũng không.
Đặc thù của những quả penalty cũng rất khó để tích hợp vào giáo án hằng ngày, trong các bài tập theo phương pháp huấn luyện tổng hợp có thể xuất hiện những cú dứt điểm, tạt bóng, đánh đầu….nhưng không thể xuất hiện penalty bởi đó sẽ là sự gián đoạn làm giảm cường độ tập luyện.
Cường độ tập luyện là thứ rất quan trọng trong các buổi tập, điều này khiến ngay cả những kitman (thường lãnh trách nhiệm đi nhặt bóng) cũng trở thành người có vai trò lớn. Bóng phải được tiếp liên tục và đưa vào sân thật nhanh không được lãng phí giây nào, hệt như tiếp đạn cho súng máy vậy.
Như vậy tức là, để hiện thực hóa việc lên đấu pháp cho những quả penalty, bắt buộc chỉ có thể đưa yếu tố này vào buổi tập MD -1 (buổi tập trước hôm thi đấu 1 ngày).
Trong khoảng 24 giờ trước thời điểm bóng lăn, những cầu thủ có tên trong danh sách thi đấu vẫn sẽ tập nhưng tập điều chỉnh để chuẩn bị thể lực cho trận đấu. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để triển khai những bài tập không có cường độ cao như di chuyển đội hình hay tình huống cố định.
Trả lời phỏng vấn CBS Sports ngay sau buổi phát sóng trực tiếp trận đấu lượt về giữa Arsenal và Porto, David Raya nói rằng HLV Thủ môn Inaki Cana có lẽ sẽ buồn vì đáng lẽ ra anh phải đẩy được 3 lượt đá luân lưu của đối thủ, anh tiết lộ rằng không chỉ với các trận loại trực tiếp mà bất kỳ trận đấu nào bộ phận HLV Thủ môn cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống penalty.
Trong bóng đá hiện đại, HLV Thủ môn có một khối lượng làm việc tương đối lớn. Không chỉ lên giáo án, huấn luyện vị trí Thủ môn, họ còn thường là người lãnh trách nhiệm về các tình huống cố định – điều này cũng dễ hiểu bởi trong các pha bóng chết thì Thủ môn luôn có vai trò chỉ huy và tạo ảnh hưởng lớn.
Tình huống cố định là 1 trong 5 pha của bóng đá, không chỉ là phạt góc hay phạt trực tiếp mà các tình huống ném biên cũng chiếm thời lượng rất lớn trong các trận đấu. Lượng công việc cần làm vừa đồ sộ lại còn dồn hết vào ngày MD -1 chắc chắn sẽ khiến chất lượng hoàn thành không được tốt.
Việc Arsenal có sẵn Nicolas Jover cho vị trí HLV tình huống cố định đã giúp “mở khóa” HLV Thủ môn Inaki Cana. Phân bổ nhiệm vụ và vai trò sẽ dễ dàng và hợp lý hơn. Nicolas Jover sẽ đảm nhiệm toàn bộ tình huống cố định ngoại trừ penalty, Inaki Cana sẽ huấn luyện Thủ môn và lên đấu pháp cho penalty.
Tính đến thời điểm hiện tại của mùa giải, bao gồm cả 2 loạt sút luân lưu trước Manchester City ở trận tranh Siêu Cúp và Porto ở vòng 1/16 Champions League thì Arsenal có tổng cộng 19 tình huống sút penalty, họ thành công cả 19 lần, đạt tỷ lệ tuyệt đối 100% – rõ ràng đây là những con số thống kê không thể thuyết phục hơn về sự hiệu quả của ý tưởng lên đấu pháp cho tình huống penalty.
Khi nhận giải thưởng HLV xuất sắc của Tháng 2, trong bức ảnh nhận kỷ niệm chương, Mikel Arteta đã không đứng một mình, bên cạnh anh là đội ngũ Ban Huấn Luyện – đây rõ ràng là một thông điệp.
Những Inaki Cana, Nicolas Jover đã chứng minh được rằng, sức ảnh hưởng không đến từ vị trí trong Ban Huấn Luyện mà chắc chắn phải là trình độ, sự nhiệt huyết và tinh thần cải thiện tốt hơn sau mỗi ngày.
Không nhất thiết phải là HLV Trưởng hay một cầu thủ ngôi sao, một HLV Thủ môn, HLV tình huống cố định, HLV Thể lực, Phân tích viên hay kể cả một anh kitman cũng hoàn toàn có thể nâng tầm một đội bóng nếu làm đủ tốt phần vai trò của mình.
Bóng đá tuyệt vời ở chỗ đó, không ai có thể chiến thắng một mình nhưng bất kỳ ai ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể tỏa sáng.
Cập nhật những tin tức bóng đá nóng nhất của Arsenal tại Keochuan TV.