Những thứ là phẩm chất có thể sẽ trở thành khuyết điểm, tùy thuộc vào hành động của bạn. Guardiola là một người dễ đồng cảm. Ông quan tâm mọi người, sẵn sàng thích nghi, thậm chí là thỏa hiệp ở những môi trường cần thiết và luôn vui vẻ giúp đỡ người khác nếu có thể. Bản tính đó cũng giúp ông nhanh chóng nhận ra cảm xúc của những người xung quanh.
Việc ông quyết tâm kết nối với mọi người được thể hiện ngay từ quãng thời gian đầu làm việc ở Bayern Munich: Ông lựa chọn nói tiếng Đức ngay trong buổi lễ ra mắt, ông tham dự lễ hội bia Oktoberfest đầu tiên với trang phục là chiếc quần da lederhosen truyền thống của người Bavaria, ông đồng ý văn hóa “mở cửa” của CLB với các buổi tập, chấp thuận chính sách liên quan đến y tế và hiểu rằng ở Bayern Munich, HLV đội một không có trách nhiệm liên quan đến đội trẻ. Pep đồng ý với tất cả vì ông cảm thấy điều đó tạo ra lợi ích tốt nhất cho CLB. Và ông luôn đặt lợi ích của CLB lên trước lợi ích bản thân.
Việc nhà cầm quân người TBN hòa nhập với nhiều khía cạnh đặc trưng trong đời sống ở Bayern – một CLB có slogan nổi tiếng là “Mia San Mia” (Tạm dịch: “Chúng tôi là chúng tôi”) – không phải lúc nào cũng là điều ông thích. Với Pep, trên cương vị là HLV của nhà vô địch nước Đức, việc ông nỗ lực nói tiếng Đức là nền tảng trong công việc để ông có thể nắm bắt báo chí ở đây.
Dù biết nhiều ngôn ngữ, vốn tiếng Đức của Pep vẫn không được thành thạo bằng các thứ tiếng khác, ví dụ ông thường mắc lỗi về phát âm và ngữ pháp. Rất nhiều lần Giám đốc truyền thông Markus Horwick phải yêu cầu cánh báo chí chuyển câu hỏi sang tiếng Anh (thậm chí Sky Đức còn thực hiện các cuộc phỏng vấn sau trận bằng tiếng Tây Ban Nha). Song, Pep cương quyết với lựa chọn của mình vì ông tin việc đổi sang một ngôn ngữ khác sẽ không tốt cho CLB. HLV trưởng Bayern khi đó luôn nói chuyện bằng tiếng Đức và nghiêm túc với việc đó.
Điều này đã phần nào phản tác dụng và những cuộc họp báo của ông không bao giờ được rõ ràng, chi tiết như khi chúng diễn ra bằng tiếng Anh chứ chưa nói đến tiếng Catalan hay TBN. Gần như mọi nhà báo Đức mà cây bút Martí Perarnau trò chuyện đều nghĩ Pep đã lựa chọn sai. Họ không quan tâm ông nói ngôn ngữ gì, họ chỉ cần hiểu nội dung là được. Chỉ có Pep mới bận tâm về chuyện nói thứ tiếng của CLB và đất nước nơi ông làm việc.
Việc Pep sẵn sàng đặt những thứ ông cho là lợi ích của CLB lên trước hóa ra lại đưa ông vào tình thế khó. Trớ trêu thay, nếu Pep ích kỷ hơn một chút trong những hành động và quyết định của mình, cuộc sống ở Bayern của ông đã dễ dàng hơn rất rất nhiều.
Hãy lấy ví dụ về chính sách liên quan đến cầu thủ. Trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Bayern Munich, Pep kiên quyết giữ Toni Kroos. Tiền vệ người Đức khi ấy không hài lòng với ban lãnh đạo CLB vì đãi ngộ cũng như việc họ không công nhận vị thế quan trọng của anh trong đội. Pep muốn giữ cầu thủ, người mà ông coi là một trong những mắt xích của đội bóng với khả năng điều khiển trận đấu.
Suốt nhiều tháng trời, Pep cố gắng kết nối cả 2 phía nhưng cuối cùng đành chấp nhận để Kroos đến Real Madrid. Tất nhiên ông có thể đưa ra “tối hậu thư” cho CLB, nhưng việc đe dọa như thế không phải phong cách của Pep. Sau 2 lần cố gắng thay đổi suy nghĩ BLĐ, ông quyết định bỏ cuộc. Dù việc Kroos ra đi là tổn thất to lớn với cá nhân Pep, song, ông muốn tôn trọng quyết định của BLĐ.
Pep Guardiola thường giấu mọi thứ vào bên trong mình. Khi có một vấn đề nào đó, ông hay tự chịu trách nhiệm và ít khi thảo luận nó một cách cởi mở. Và đôi khi ông để vấn đề trở nên lớn hơn đến mức không thể ứng phó với áp lực được nữa. Đó có thể không phải chuyện gì quá quan trọng, nhưng với một người cầu toàn và theo chủ nghĩa hoàn hảo như Pep, những chi tiết nhỏ nhất cũng có thể mang ý nghĩa lớn lao.
Pep cũng là người rất giàu cảm xúc. Những giọt nước mắt của ông sau trận chung kết cuối cùng với Bayern không phải điều thường thấy, và người hâm mộ cũng rất ngạc nhiên về điều này. “Chúng tôi đều nghĩ Pep giống một cỗ máy lạnh lùng. Ai mà biết ông ấy cũng giàu cảm xúc như vậy?”, một CĐV chia sẻ.
Pep chia sẻ với Martí Perarnau vào năm 2015 thế này: “Nếu bạn thực sự muốn biết tôi mong muốn điều gì trong cuộc sống và công việc, thì câu trả lời là tôi muốn được yêu quý. Tuy nhiên điều này không dễ vì tôi vẫn phải loại nhiều cầu thủ ra khỏi đội hình xuất phát và sau đó họ cho rằng tôi không thích họ. Họ không biết là tôi đưa ra quyết định dựa trên những cân nhắc, tính toán về chiến thuật hoặc vì những gì diễn ra trong suy nghĩ của tôi lúc ấy.
Tôi chưa bao giờ coi những chiến thắng là công lao của riêng mình. Tôi chỉ là người giúp thúc đẩy quá trình, vậy thôi. Tôi không coi bản thân giỏi hơn ai và tôi biết mình may mắn khi được làm việc cho một CLB vĩ đại với những cầu thủ xuất chúng. Trong thâm tâm tôi, động lực không nằm ở những danh hiệu mà chính là cơ hội được gây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các cầu thủ. Tôi yêu quý mọi người và cũng mong muốn mọi người yêu quý mình”.
Vì sao Pep thường che giấu cảm xúc và chỉ để nó bột phát trong trận đấu cuối cùng? Ở đây có 2 lý do: Ông vốn là người hướng nội và ông tin rằng cần phải bảo vệ bản thân. Có một sự khác biệt giữa Pep Guardiola trong đời sống thường ngày và Pep Guardiola khi xuất hiện trên truyền thông, khiến nhiều người không tin vào sự đa cảm của ông và cả những lần hiếm hoi ông biểu lộ cảm xúc.
Về cơ bản, Guardiola là một trong những người bơi ngược dòng trong thế giới bóng đá cạnh tranh khắc nghiệt. Và điều đó dẫn đến một trong những vấn đề của ông: Luôn gánh áp lực nặng tựa ngàn cân trên vai.
Nhưng nếu không như thế thì Pep không còn là Pep. Nếu không có niềm đam mê và những cống hiến không ngừng cho cầu thủ và CLB cũng như khát khao hướng tới sự hoàn hảo, ông ấy sẽ không phải một nhà chinh phục danh hiệu như bây giờ.
Truy cập ngay tin soi kèo để dự đoán các tỷ lệ ăn thưởng cao ở các trận đấu của Chelsea.