Nếu như Josh Kroenke là đại diện về mặt truyền thông cho Arsenal thì Stan Kroenke chính là trụ cột về mặt tài chính của Pháo Thủ…
Quay trở lại một vài năm trước, việc KSE tái cấu trúc lại khoản vay để xây sân Emirates chính là một lý do chủ chốt giúp Arsenal có thể thoải mái hơn trong việc chi tiêu như hiện tại dù đã 5 mùa liền ghi nhận lỗ…
Vào thời điểm xây dựng sân Emirates, Arsenal đã phải vay ngân hàng £260 triệu bảng với lãi suất 6%.
Nhiều năm sau đó, COVID 19 ập tới và gây ra tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế dẫn tới các điều khoản trong khoản vay bị ảnh hưởng và lãi suất bắt đầu tăng. Khi đó, chúng ta vẫn còn nợ ngân hàng số tiền lên tới £144 triệu bảng.
KSE đã quyết định mua lại khoản nợ này từ ngân hàng nhằm giảm áp lực trả nợ theo kỳ hạn cho Arsenal. Chúng ta giờ đây sẽ thanh toán cho chính KSE theo một lãi suất cố định – được cho là thấp hơn nhiều so với ngân hàng.
Động thái này trở nên cực kỳ hữu ích bởi lãi suất khi đó được các ngân hàng gia tăng đáng kể do lạm phát. Kết quả là Arsenal chỉ phải trả KSE số tiền lãi cố định là £5 triệu bảng/ năm thay vì £12 triệu bảng/ năm nếu tiếp tục trả nợ ngân hàng vào thời điểm đó.
Với áp lực thanh toán lúc này được giảm bớt, Arsenal đã có thể thoải mái hơn ở khâu mua sắm nhằm nâng cấp đội hình.
Không chỉ có vậy, Stan Kroenke cũng không ít lần tự mình tham gia vào công cuộc đàm phán để mang về các mục tiêu quan trọng cho CLB ở những mùa hè vừa qua, tiêu biểu là thương vụ mang về Declan Rice ngay ở mùa hè gần nhất. KSE đồng thời tiếp tục chấp nhận hỗ trợ Arsenal với vấn đề tài chính ở các vụ mua sắm lớn.
Dưới sự chỉ đạo của Stan Kroenke, Arsenal cũng đã lọc lại bộ máy lãnh đạo từ trên xuống dưới, giải quyết vấn đề quỹ lương phình to và dần dần lập lại trật tự cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Với nhà Kroenke, đầu tư vào thể thao không phải là chuyện một sớm một chiều, họ luôn giải quyết vấn đề từ gốc rễ để xây dựng được một bộ máy vững chắc mà họ tin tưởng nhất trước khi tiến hành đầu tư mạnh tay và Arsenal cũng đang được xây dựng theo hướng đi này.