Khán giả theo dõi hoặc yêu mến bóng đá Hà Lan chắc không lạ gì đoạn video kinh điển Johan Cruyff lý giải sơ đồ kim cương. Trong cuộc nói chuyện này, Cruyff có một bảng đen, một viên phấn và nói về chiến thuật ngay trên sóng truyền hình. Suốt 20 năm từ thời điểm đoạn video này xuất hiện, rất nhiều thế hệ say mê chiến thuật đã ra đời.
Đoạn video dài đúng 4 phút 33 giây này có nhiều trọng tâm, nhưng mình sẽ nói một vấn đề duy nhất, vì đặc biệt dễ liên tưởng tới trận ra quân của tuyển Hà Lan tại Euro 2024. Cruyff nói:
“Một từ thôi nhưng có thể mang đến 2 nghĩa. Ví dụ các anh hay nói đá sơ đồ kim cương hả? Là kiểu này đúng không”.
Nói đoạn, Cruyff lấy phấn vẽ sơ đồ siêu cơ bản (đặc biệt với các game thủ): 4-1-2-1-2. Đây là sơ đồ giúp Hà Lan thắng Hy Lạp 4-0 trong loạt trận tiền Euro 2004. 2 tiền đạo chơi cao nhất khi ấy là Roy Maakay và Patrick Kluivert.
“Nhưng tôi lại chơi với sơ đồ kim cương thế này trong những năm 70”, và Cruyff vẽ sơ đồ 4-3-3 với vị trí trung phong chơi lùi xuống, với hai cầu thủ tiền đạo cánh nhô cao. Đây cũng là sơ đồ Hà Lan của Cruyff làm say mê thế giới tại World Cup 1974. Cruyff vừa là đỉnh kim cương của hàng tiền vệ, vừa là chủ công của hàng công 3 người.
Hiểu đơn giản, đấy là sơ đồ 4-3-3 của Barca trong mùa đầu tiên Pep Guardiola, 2008/09, với Lionel Messi ở tuổi 22, làm đỉnh kim cương của hàng tiền vệ Busquets, Xavi, Iniesta và chủ công của hàng công 3 người với Samuel Eto’o cùng Thierry Henry đá hai biên.”Nhưng nếu các anh có một tiền đạo đẳng cấp thế giới, Van Basten chẳng hạn, tiền đạo sẽ đá ở đây”, Cruyff lấy tay xóa vết phấn, vẽ lại vị trí tiền đạo lên cao nhất, tức sơ đồ 4-3-3. “Lúc ấy, chẳng còn khối kim cương nào nữa”.
Vì sao mình lại nói chuyện này sau trận ra quân của Hà Lan? Vì sơ đồ xuất phát của Oranje với Memphis Depay đá cao nhất, về mặt thể hiện đồ họa của UEFA, chính là một ví dụ không thể rõ ràng hơn cho khối kim cương mà Cruyff mô tả ông từng chơi trong đó.
Depay chơi lùi, và đóng vai trò tạo ra khối kim cương ở hàng tiền vệ của Hà Lan. Dễ thấy, Oranje đá kiểm soát rất tốt trong hiệp 1 và tạo ra nhiều cơ hội với chính Depay là người dứt điểm nhiều nhất.
Chênh lệch về trình độ bắt đầu xuất hiện ở đây. Giả sử Cruyff, đỉnh kim cương của Hà Lan World Cup 1974, chơi trong trận đấu với Ba Lan, chắc hẳn Hà Lan đã thắng 3-1 hoặc 4-1 ở hiệp 1 và sớm kết thúc trận đấu. Vấn đề là Depay, đỉnh kim cương của Hà Lan tại Euro 2024, không đủ giỏi, cả trong khả năng liên kết lẫn dứt điểm, nên Oranje mới để Ba Lan cầm chân lâu đến vậy.
Và khi chỉ còn 10 phút cuối, Koeman xoay sang phương án thứ 3 mà Cruyff nói trong đoạn video trước thềm Euro 2004. Xóa bỏ cách triển khai kim cương, để tin vào một trung phong với khả năng hoạt động trong vòng cấm. Kết quả: Hà Lan có bàn, dù Weghorst thì không so được với Van Basten hay Van Nistelrooy.
Việc Koeman xoay chuyển tình huống kiểu này là ví dụ cơ bản để người hâm mộ thấy không có gì chính xác tuyệt đối, và triết lý hay sơ đồ chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích sau cùng, tức chiến thắng.
Dĩ nhiên, sẽ có những thời điểm chiến thắng… không quan trọng bằng việc đưa ra thông điệp. Nhưng điều này không thường diễn ra ở những giải đấu lớn cấp độ ĐTQG như World Cup hay Euro.
Hà Lan của Ronald Koeman đã chật vật trước Ba Lan với sơ đồ 4-3-3 có hơi hướm Cruyff 1974, nhưng sau cùng giành chiến thắng cũng với 4-3-3 cùng một trung phong truyền thống chơi cao nhất kiểu Euro 2004. Điều này trực tiếp đặt ra thử thách cho Hà Lan ở những trận kế tiếp: Họ sẽ chọn sơ đồ nào?
Depay dù chưa hiệu quả, nhưng là phương án khả dĩ hơn hẳn việc Weghorst đá trung phong từ đầu. Hay Koeman sẽ chấp nhận mạo hiểm với Joshua Zirkzee, người ban đầu không có tên trong danh sách, nhưng đến Đức vào phút chót? Zirkzee có đủ mọi yếu tố Hà Lan cần, từ khả năng chơi lùi, kết nối, đến thể hình, khả năng đánh hơi… Cái thiếu duy nhất của cầu thủ Bologna là kinh nghiệm.
Dù chọn phương án nào, thì Koeman cũng nên làm nhanh. Trận tới, Hà Lan sẽ gặp Pháp, đối thủ đặc biệt không đơn giản.